HIỂU RÕ VỀ NGUYÊN NHÂN GÂY MỤN VÀ CÁC LOẠI MỤN THƯỜNG GẶP

HIỂU RÕ VỀ NGUYÊN NHÂN GÂY MỤN VÀ CÁC LOẠI MỤN THƯỜNG GẶP

Càng ngày càng nhiều người bị mụn. Tình trạng mụn gia tăng là hậu quả của môi trường ô nhiễm, khói bụi, cộng với thời tiết nóng ẩm tại Việt Nam cùng các tác nhân như cuộc sống căng thẳng, chế độ ăn uống sinh hoạt không đúng cách... Mụn ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của nhiều người, gây mất thẩm mỹ và tự ti. Tuy nhiên, mụn là một trong những bệnh lý da liễu không dễ dàng điều trị, cần có phác đồ chuẩn y khoa kết hợp với sự kiên nhẫn, kỷ luật của người bệnh. Trong bài này, hãy cùng Dermafirm làm rõ những nguyên nhân gây ra tình trạng mụn và các loại mụn thường gặp nhất là gì.

1. Mụn và nguyên nhân gây mụn

Mụn là một tình trạng da thường gặp khi các lỗ chân lông trên da bị tắc nghẽn bởi dầu nhờn, tế bào da chết và bụi bẩn cùng vi khuẩn. Mụn có thể xuất hiện trên mặt, lưng, ngực, vai và cổ. Có nhiều loại mụn, như mụn đầu đen, mụn trắng đầu, mụn đỏ, mụn mủ, và mụn viêm...

Các nguyên nhân chính gây ra mụn có thể kể đến như sau:

Căng thẳng kéo dài: Khi cơ thể bị stress kéo dài sẽ tự động gia tăng tiết hormon cortisol - đây là loại hocmon điều khiển tuyến bã nhờn sản xuất liên tục, nhiều hơn làm tăng sản sinh chất bã hoặc tuyến dầu nhờn, kết hợp với mồ hôi, bụi bẩn và vi khuẩn nên gây ra tình trạng mụn trứng cá.

Di truyền: Mụn trứng cá có nguy cơ di truyền khi đời ông bà bố mẹ bị nhiều mụn, con cháu cũng có nguy cơ di truyền. 

Sản phẩm chăm sóc tóc: Việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc như gel, sáp... vuốt tóc/dưỡng tóc với kết cấu nhờn, dính sẽ tiếp xúc với phần da ở trán, hai bên má dễ gây ra mụn

Mỹ phẩm không phù hợp: Các loại mỹ phẩm như mặt nạ, kem dưỡng với kết cấu mịn bí da hay trang điểm quá nhiều khiến da bức bí đều có thể gây ra mụn do lỗ chân lông bị tắc nghẽn.

Điện thoại: Khi sử dụng điện thoại trong thời gian dài, tiếp xúc giữa da và bề mặt điện thoại có thể làm tăng tiết dầu và gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến mụn trứng cá. Hoặc trong trường hợp điện thoại bám bẩn nhiều vi khuẩn cũng sẽ gây viêm nhiễm da, gây mụn nếu tiếp xúc quá nhiều.

Thuốc: Có một số loại thuốc có thể gây ra mụn hoặc tình trạng da không mong muốn như phản ứng dị ứng, kích ứng da, hoặc tăng tiết dầu bao gồm: Corticosteroids, thuốc tránh thai, thuốc chống viêm kháng histamine...

Khí hậu và nhiệt độ môi trường: Không khí nóng ẩm nhiệt đới khiến tình trạng đổ mồ hôi nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mụn trứng cá. Mồ hôi cùng với bã nhờn, bụi bẩn, da chết bịt kín lỗ chân lông của bạn, dẫn đến mụn đầu đen và mụn đầu trắng. 

Thực phẩm: Việc ăn nhiều thực phẩm nóng, cay, nhiều đường, hoặc uống nhiều sữa là một trong những tác nhân gián tiếp gây ra mụn. Hormon trong các sản phẩm sữa có thể làm tăng lượng androgen, gây ra mụn trứng cá.

2. Các loại mụn thường gặp

Mụn có nhiều loại, nhiều kích thước khác nhau và gây ra các tình trạng viêm cũng khác nhau. Mụn thường xuất hiện ở các vị trí trên cơ thể như mặt, cổ, ngực, lưng, mông... Da liễu chia mụn thành 2 nhóm chính: Mụn không viêm và mụn viêm. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các loại mụn này.

2.1 Mụn không viêm

Mụn không viêm là hậu quả của sự tăng tiết bã nhờn khiến làn da sản xuất ồ ạt dầu thừa, kết hợp với bụi bẩn vi khuẩn trên da, bít tắc lỗ chân lông gây ra mụn. Mụn không viêm bao gồm mụn ẩn, mụn đầu trắng, mụn đầu đen.

Mụn ẩn là tình trạng mụn nằm dưới bề mặt da, có nhân nằm sâu trong nang lông và không bị viêm, không bị đau nhức. Tuy nhiên, mụn ẩn xuất hiện dưới dạng các nốt sần dưới da, có màu gần với màu da, kích thước nhỏ và mọc dày theo từng vị trí, thường xuất hiện ở trán, má, cằm. Dù không gây đau nhức nhưng mụn ẩn khiến làn da mất thẩm mỹ, sần sùi, không mịn màng, dễ gây cho chị em sự tự ti khi mắc phải.

Mụn đầu đen là tình trạng mụn xảy ra do vấn đề tắc nghẽn lỗ chân lông, phần đầu màu đen hoặc nâu của chúng khiến ta nhìn thấy bằng mắt thường là do phần nhân chứa bã nhờn bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí, tạo thành mụn đầu đen. Mụn đầu đen thường xuất hiện như mũi, trán, cằm và vùng quanh miệng. Không tự ý nặn mụn đầu đen vì có thể làm tổn thương da, gây viêm nhiễm.

Mụn đầu trắng hay còn được gọi là mụn cám, là loại mụn nằm ẩn sâu dưới da, phần lỗ chân lông bị khép kín lại. Mụn đầu trắng không gây sưng, không đau nhức, có màu trắng với kích thước nhỏ, thường xuất hiện ở má, mũi, trán. Nguyên nhân gây ra mụn đầu trắng do sự kết hợp của bã nhờn, dầu thừa, vi khuẩn, bụi bẩn... làm bít lỗ chân lông đóng kín lại, nên hỗn hợp nhân này nằm ẩn sâu dưới da. Vì lỗ chân lông đóng kín, phần nhân mụn không bị oxy hóa nên gọi là mụn đầu trắng.

2.2 Mụn viêm

Mụn viêm hiểu nôm na có nghĩa là tình trạng mụn trứng cá dạng nặng, không biết cách xử trí nên dẫn đến tình trạng có viêm nhiễm, nhiễm trùng. Mụn viêm có đủ các biểu hiện về sưng - nóng - đỏ - đau gây khó chịu cho người bệnh. Nếu không xử lý kịp thời, mụn viêm gây nên tình trạng nhiễm trùng, để lại sẹo xấu rất khó khắc phục.

Mụn viêm bao gồm mụn đỏ không nhân, mụn mủ, mụn bọc và mụn nang.

Mụn đỏ không nhân là tình trạng mụn bị viêm đỏ có dấu hiệu sưng tấy, là tình trạng mụn trứng cá không được xử lý đúng cách, nếu không điều trị kịp thời phần mụn này sẽ tăng kích thước, gây đau nhức.

Mụn mủ là tình trạng mụn trứng cá bị viêm tạo thành những nốt mụn chứa mủ trắng hoặc vàng, biểu hiện rõ rệt trên bề mặt da. Mụn mủ thường có kích thước dưới 10mm. Trong dịch mủ là xác của bã nhờn, tế bào chết và vi khuẩn. Phần da bao bọc mủ bên trong rất dễ bị vỡ ra nếu có tác động mạnh. Mụn dễ gây ra sẹo thâm.

Mụn bọc là tình trạng mụn gây ra do vi khuẩn P.acnes, có kích thước lớn hơn nhiều so với mụn mủ. Biểu hiện rõ rệt của mụn bọc là có tình trạng sưng đau, nhân mụn có mủ, dễ vỡ và để lại sẹo thâm.

Mụn nang là tình trạng mụn ở sâu trong da, bị viêm nhiễm và chứa đầy dịch mủ, kích thước to như những khối u nổi trên bề mặt da. Mụn nang rất nguy hiểm, gây nên sẹo xấu, sẹo lồi trên da và rất khó xử lý.

Tùy từng trường hợp mụn cụ thể để đưa ra phác đồ điều trị mụn dứt điểm. Ở bài sau, Dermafirm sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị mụn với những phác đồ chuẩn y khoa. Mọi thắc mắc về bài viết này, vui lòng để lại bình luận ở phía dưới bài viết để chuyên gia Dermafirm giải đáp cho bạn đọc.

← Bài trước Bài sau →